Home Credit rút chân khỏi Việt Nam, người Thái lại có ‘Deal’ hời?
Tập đoàn Home Credit chính thức thông tin về việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty tài chính Home Credit Việt Nam cho một doanh nghiệp người Thái với mức giá chuyển nhượng khoảng 865 triệu đô la. Thương vụ khẳng định thêm sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, đa ngành nghề và nhiều lĩnh vưc hơn.
Home Credit đang làm ăn ra sao tại Việt Nam?
Công ty Home Credit Việt Nam thuộc sở hữu Tập đoàn Đầu tư quốc tế PPF, một tập đoàn được thành lập từ năm 1997 tại Công hoà Séc, hiện đang có trong tay hơn 140 triệu khách hàng và hơn 100 triệu người dùng ứng dụng trên toàn cầu. Home Credit Việt Nam được thành lập từ năm 2008, hiện hoạt động với mạng lưới rộng khắp, sở hữu tệp khách hàng lên tới 15 triệu người, chiếm khoảng 14% tổng thị phần tính đến ngày 30/6/2023.
Thông tin từ Public Company Limited (SCBX), chủ nhân mới của Home Credit Việt Nam, năm 2022, doanh nghiệp này có lợi nhuận ròng trên 1,3 ngàn tỷ đồng và đạt được mức CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 18,7%, “phản ánh tiềm năng và hiệu quả hoạt động kinh doanh” của doanh nghiệp này.
Trong tháng 8-9/2022, Home Credit Việt Nam cũng phát hành 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.100 tỷ đồng, kỳ hạn 18-24 tháng.
Chuyện Home Credit định rút chân khỏi thị trường Việt Nam không phải là câu chuyện mới khi nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã nằm trong tầm ngắm của nhiều đối thủ. Tháng 8 năm ngoái, Reuters thông tin, một đại gia ngân hàng Thái, Kasikornbank (KBank), có ý định thâu tóm Home Credit Việt Nam, mức giá lên đến 1 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 11, Bloomberg lại cho biết về sự xuất hiện thêm hai gương mặt mới là KB Kookmin của Hàn Quốc, CBX Public Company Limited (SCBX) của Thái Lan. Cả ba cùng nhắm đến mục tiêu này, tuy nhiên giá trị thương vụ lại giảm xuống còn chỉ 700 triệu đô la.
Ở động thái mới nhất từ Home Credit Việt Nam ngày hôm qua, 28/2, doanh nghiệp này công bố, họ chính thức thuộc về The Siam Commercial Bank PublicCompany Limited (SCB) của Thai Lan, một thành viên của SCBX, Public Company Limited (SCBX). Giá trị chuyển nhượng đạt trên 860 triệu đô la, tương đương 21 ngàn tỷ đồng. Thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm tới.
Như vậy, cuối cùng, Home Credit Việt Nam đã tìm được chủ mới, dù giá trị chuyển nhượng có giảm so với mức giá từng đưa ra trước đó, tuy nhiên đây vẫn là một trong những thương vụ M&A có giá trị lớn trên thị trường tài chính Việt Nam mở đầu cho năm 2024.
Cánh cửa rộng mở?
“Việc mua lại này đánh dấu sự khởi đầu cho việc mở rộng của Tập đoàn SCBX vào Việt Nam, một quốc gia có dân số hơn 100 triệu người”, phía doanh nghiệp Thái khẳng định.
Nhận định về thương vụ, Giám đốc điều hành của SCBX khá lạc quan khi cho biết, Việt Nam đang là thị trường tài chính chiến lược của họ với tiềm năng như tăng trưởng cao ở Đông Nam Á, kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế, tầng lớp trung lưu đang phát triển, tăng trưởng GDP trung bình 7,5% trong thập kỷ qua,…
Home Credit Việt Nam sẽ không chỉ là bàn đạp quan trọng để họ tăng sự hiện diện thương hiệu mà còn giúp họ làm dày bộ đệm tăng trưởng trong thời gian tới.
Sự hiện diện của người Thái đã bao phủ nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực từ tài chính, sản xuất, bán lẻ, đồ uống… khi chuyện người Thái tranh thủ gom cổ phần doanh nghiệp Việt không còn là mới như thương vụ ThaiBev của ông Charoen Sirivadhanabhakdi; Fraser & Neave tại Vinamiik; TCC Group tại MM Mega Market…
Nhiều quỹ đầu tư Thái cũng đang hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nắm giữ nhiều cổ phiếu trụ cột trong nhóm VN30. Không chỉ tại Việt Nam, các doanh nghiệp Thái cũng đẩy mạnh sự hiện diện của mình ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như một xu thế tất yếu của dòng vốn.
Năm 2023, sau giai đoạn Covid – 19 và những tác động từ nỗi lo lạm phát, suy thoái đã khiến hoạt động của người Thái trên thị trường M&A trong nước có phần chậm lại. Tính 10 tháng đầu năm 2023, Thái Lan xếp thứ 5 sau Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Malaysia về giá trị thương vụ M&A công bố, theo đánh giá của Kirin Capital, trong khi đó, vốn nội địa lại trong nước cũng có phần chững lại, tổng giá trị giao dịch tgiảm 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, sự sụt giảm trên chỉ tạm thời, “xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn và năm 2023 là năm mà thị trường tìm lại sự cân bằng để tiến tới phát triển bền vững”.
Thương vụ Home Credit Việt Nam được xem là sự khởi đầu tích cực cho năm 2024 khi nền kinh tế trong nước được nhận định sẽ khởi sắc hơn. Thị trường M&A tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các ông lớn với các ngành nghề được kỳ vọng như tài chính, y tế, bất động sản…
Và câu chuyện cuối cùng vẫn xoay về với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều ái ngại là khi nhiều đại gia ngoại vẫn mang tiền về nước họ thì nhiều doanh nghiệp Việt lại rơi vào cảnh thua lỗ, thậm chí khó cầm cự ngay trên sân nhà.
About Post Author
© Bạn đang truy cập mạng xã hội THUONGHIEUMOI.VN - Diễn đàn thông tin thương hiệu Việt Nam. Hãy đăng ký thành viên để tham gia cùng chia sẻ các thông tin, kiến thức về các thương hiệu với đầy đủ tính năng hơn. Hòm thư hỗ trợ info.thuonghieumoi@gmail.com |